Kinh tếLịch sử Dân tộcNewsNghiên Cứu Khoa HọcTrang PhụcVăn hóa - Phong tục

Các cuộc di cư của người H’Mông (Miao)

       Từ miền nam Trung Hoa xuyên qua núi non Việt Nam, Lào, và sau cùng theo hướng nam xuống mãi tận lưu vực sông Chao Phraya của Thái Lan, các nhóm du canh (swiddeners) người Hmong được thấy di cư hồi cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20.  Vào lúc nào, và dưới những tình huống nào mà các thành phần đông đảo của phân chủng của sắc dân Hmong (Miao) này từ Quý Châu và các vùng ngoại vi của Quý Châu, đã di chuyển các khu định cư của họ xuống phần phía nam của Khối Núi Trọng Tâm Đông Nam Á (Massif of Southeast Asia) lục địa? Họ là ai? Lịch sử của họ ra sao trước khi có các cuộc di cư này? Bài viết này sử dụng bằng chứng ban đầu để soi sáng vào các nguyên do chính của hành trình tiến vào các rặng núi của Bán Đảo Đông Dương.

Trong nhiều thế kỷ, ngay cả nhiều nghìn năm trong một số trường hợp nào đó, nhiều cuộc di cư của con người đã xảy ra tại Bán Đảo.  Đa số các nhóm dân Mon và Miến Điện đã dần dần định cư tại Miến Điện, y như người Thái tại Thái Lan, người Lào tại nước Lào, và người Kinh ở Việt Nam.  Khi định cư như thế, các nhóm dân hùng mạnh hơn này đã đẩy các kẻ định cư thời cổ như các kẻ còn sót lại của dân bản xứ đầu tiên, hay người Proto hoặc Deutero-Malays sau này, hầu hết trong họ là thành viên của ngữ tộc Austro-Asiatic, đi xa hơn hay lên cao hơn tại Khối Núi Trọng Tâm Đông Nam Á lục địa.  Tại điểm này, điều hữu ích để ghi nhớ rằng tất cả các kẻ định cư vùng cao nguyên ban sơ này, một cách chính xác, bởi sự đến nơi sớm hơn của họ, đã tạo thành các xã hội hoàn toàn khác biệt với người Hmong, nhóm dân mà chúng ta sẽ thảo luận nơi đây.

       Trong hơn thế kỷ cho đến nay, và kể từ khi có sự thiết lập của các biên giới quốc gia hiện đại tại Bán Đảo, chỉ có các cuộc di cư tí hon, hầu như rải rác từ miền nam Trung Hoa là còn tiếp tục diễn ra.  Các xã hội vi mô của các kẻ du canh, đi theo phần lớn các con đường trên đỉnh núi cao, đã đến Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện để thiết lập các khu định cư ít nhiều có tính cách thường trực hơn tại các phần đất cao hơn của Khối Núi Trọng Tâm, cách xa các xã hội bình nguyên mà họ hầu như không có chung các đặc tính văn hóa.

       Các xã hội này, phải nhìn nhận, cũng có các sự khác biệt văn hóa lớn lao giữa chúng với nhau, đặc biệt trong lãnh vực ngữ học, tôn giáo, và tổ chức xã hội.  Trong số này, Hmong có lẽ là các di dân cận đại nhất tại Bán Đảo.  Thực sư, họ đã đến trong hai thế kỷ vừa qua, xuyên qua nhiều cuộc di cư diễn ra vì một số các lý do.  Như một thí dụ về sự liên hệ lịch sử liên tục giữa các người dân từ cả hai bên của biên giới phân cách Trung Hoa với các lân bang phía nam của nó – cả trước khi phe Cộng Sản chiếm lĩnh vùng đất từ 1945, trong suốt các thập niên của nhà nước xã hội chủ nghĩa, và vẫn còn kể từ khi có sự mềm mỏng hơn của nó trong các năm gần đây – tôi muốn trình bày một sự tái duyệt các nguyên do và các hình thức đã được áp dụng bởi chu kỳ di cư đặc biệt này.

NGƯỜI H’MÔNG TẠI TRUNG HOA

       Chúng ta biết xuyên qua các chỉ dẫn về ngữ học rằng lịch sử cổ thời của dân Hmong có liên hệ mật thiết với lịch sử của sắc dân H’Mông (Miao) hiện nay tại vùng tây nam Trung Hoa, mặc dù nó hoàn toàn là một câu chuyện khác để giả định rằng lịch sử xưa hơn của người Hmong cũng có liên hệ với lịch sử của người “Miao” trong lịch sử như họ xuất hiện trong các văn bản Trung Hoa cổ thời.  Danh xưng “Miao” trong Hán tự trong một thời gian lâu dài mang ý nghìa rộng rãi về chủng tộc và để chỉ nhiều nhóm phi-Hán.  Các nhóm này bao gồm các dân tộc ít người khác được xem là các nhóm bên lề đối với Kẻ Văn Minh, tức người Hán.  Các tác giả Moréchand (1968: 69) và Lombard Salmon (1972: 111) đã ghi nhận nhiều danh xưng liên hệ.  Các văn bản Trung Hoa thường phân biệt giữa shu Miao [thục Miêu?], hay người H’Mông đã thuần hóa (cooked Miao), với sheng Miao [sinh Miêu?], hay người H’Mông còn sống sượng, thô lỗ (raw Miao), giữa người H’Mông đã bị khuất phục và người H’Mông độc lập (cùng nơi dẫn trên: trang 117).

       Khi thảo luận về các sự tiếp xúc đầu tiên với người Tây Phương (đặc biệt kể từ thế kỷ thứ 15) và sản phẩm theo sau của các báo cáo và nhận xét khác nhau bằng các ngôn ngữ Tây Phương về các dân tộc ít người trên cao nguyên trong vùng, không có các kết luận xác quyết nào có thể được đưa ra để chứng thực căn cước thực của nhóm được gọi là người H’Mông (Miao) bởi các văn gia Tây Phương sớm nhất.  Để đạt được các kết luận như thế, chúng ta sẽ cần có nhiều chỉ dẫn về ngữ học hơn, hay, ít nhất, các phác họa đáng tin cậy.  Công việc như thế sẽ đòi hỏi sự cộng tác của các sử gia và các nhà dân tộc học và vẫn còn phải chờ đợi để được thực hiện.  Tuy nhiên, ngày nay không có sự ngờ vực rằng từ ngữ Miao (H’Mông) như nó được dùng tại Trung Hoa và bên ngoài để chỉ một tập hợp cá biệt mặc dù đông đảo các nhóm dân tộc, tất cả đều cùng một ngữ tộc mà từ đó người Hmong của Bán Đảo Đông Dương bắt nguồn và có liên hệ mật thiết.  Kể từ 1953, từ ngữ ‘Miao” trong Hán tự áp dụng cho toàn thể dân số từ nhóm dân tộc H’Mông (Miao zu) it người.  Theo các nhà ngữ học Trung Hoa, nhóm này bao gồm bốn phân nhóm liên hệ về mặt ngữ học và văn hóa – mặc dù các ngôn ngữ của họ không được thông hiểu một cách hỗ tương – được gọi là người Hmong, Hmu, Qoxiong, và Hmau (ghi nhớ rằng các sự ký âm từ tiêng Hán biến đổi từ tác giả này sang tác giả kia).

       Về nguồn gốc địa dư chính xác của người H’Mông, vẫn còn nhiều sự ức đoán hơn là quả quyết.  Nhiều văn bản tiếng Hán từ thời triều đại truyền thuyết thứ nhất, nhà Hạ (Xia) (2207-1766 Trước Công Nguyên) và triều đại lịch sử nhà Chu (1121-256 Trước Công Nguyên) đề cập đến các cuộc xung đột vũ trang với một số người ‘H’Mông tại nhiều phân vực chính yếu ở Quý Châu ngày nay (Savina 1924: 115-170).  Tác giả Lin (1940) có nói đến cùng hiện tượng trong triều đại nhà Hán đầu tiên (đặc biệt 140-87 Trước Công Nguyên) và trong thời Ngũ Triều Đại (Five Dynasties) (907-960 Sau Công Nguyên).  Trong nhiều thế kỷ, văn tự biểu ý trong tiếng Hán cho từ ngữ ‘Miao’ biến mất khỏi các văn bản lịch sử.  Nó dường như chỉ được phục hồi dưới triều đại nhà Tống (960-1279 Sau Công Nguyên), và chính trong thời nhà Minh, sau khi nhà Nguyên đã thành công trong việc chiếm lĩnh Khối Núi Trọng Tâm, từ ngữ này [Miao] đã được đề cập một cách thông thường (Lombard-Salmon 1972: 111; Jenks 1985: 39).  Tuy nhiên, trong các bản văn đó, vẫn còn sự hỗn độn về căn cước chính xác của các người mà từ ngữ Miao chỉ định, và chúng ta phải vẫn cẩn thận về giá trị lịch sử của các sự liên kết ban đầu này.

       Giữa các thế kỷ thứ 17 và 18, Trung Hoa đã trải qua một sự gia tăng dân số quan trọng từ một trăm triệu lên hơn ba trăm triệu người.  Với sự trợ lực của ngô (bắp) nhập cảng từ Mỹ Châu bởi người Tây Ban Nha, vốn không đòi hỏi đất đai phì nhiêu hay sự dẫn nước tưới tiêu, đa số dân Hán tại các bình nguyên đã có thể đối phó với áp lực dân số bằng việc trèo lên cao hơn tại các rặng núi và cao nguyên kém mầu mỡ hơn của Khối Núi Trọng Tâm và định cư ở các nơi mà trước đó, chỉ có người Dân Miền Núi (Montagnard)

sinh sống (Cooper 1976: 30-31).  Cùng với việc đánh thuế quá đáng, “cuộc xâm lăng” này đã cấu thành một trong các nguyên do quan trọng của sự xung đột, với các dân tộc ít người trên cao nguyên cố gắng giữ lại sự tiếp cận với đất đai chống lại chính quyền tập trung hóa của người Hán và các nhà cai trị cấp miền.  Một số dân tộc ít người đáp ứng bằng cách chỉ việc di cư lên cao hơn ở các rặng núi của Quý Châu, Tứ Xuyên và Vân Nam.  Các kẻ khác cầm vũ khí chống lại.  Một số nhỏ rời bỏ Đế Quốc Trung Hoa để tìm nơi ẩn náu tại các rặng núi trống trải, xa hơn về phía Nam nơi mà sau này được sáp nhập vào nhiều Quốc Gia hiện thời của Bán Đảo.  ‘Trong các chiến dịch quan trọng của các cuộc nổi dậy vào các năm 1698, 1732, 1794 và 1855, người H’Mông phân tán theo mọi chiều hướng, phát khởi các cuộc chuyển động di dân của thời kỳ hiện đại (Wiens 1954: 90) 3

       Điều chắn chắn rằng một số người H’Mông đã hoàn toàn bị đồng hóa vào khối đa số người Hán.  Trong số các kẻ vẫn còn độc lập, một mức độ nào đó của sự hán hóa xảy ra tùy vào cường độ của các sự tiếp xúc và mức độ của sự đề kháng văn hóa.  Tác giả Geđes bình luận:

Các nhóm người H’Mông tại Trung Hoa ngày nay có thể hiện mức độ tiệm tiến của các sự tương đồng với người Trung Hoa về mặt kinh tế, và ở một mức độ thấp hơn, trong thói tục văn hóa.  Nhưng ngay cả trong các trường hợp có sự tương đồng nhiều nhất, vẫn có cảm thức mạnh mẽ về căn cước cách biệt được tăng cường đặc biệt bởi không có sự kết hôn hợp chủng. (1976: 11)

       Trong các thế kỷ đó của sự tiếp xúc với người Hán, điều có vẻ xác thực rằng ít nhất một số nhóm người H’Mông đã thực hành việc canh tác tại một chỗ nhất định (Handricourt 1974).  Trong thế kỷ thứ 17, các nhà quan sát tại Trung Hoa báo cáo có trông thấy một số khu định cư thường trực, ngay cả các thành phố, được cư trú bởi những kẻ có thể đã bị đồng hóa với người H’Mông.  Có các câu chuyện về các ông hoàng địa phương, sự kháng cự về mặt lãnh thổ đối với người Hán, và các sự khác biệt về văn hóa với khối người đa số ở vùng đất thấp.  Tuy nhiên, có thể một lần nữa rằng từ ngữ ’Miao’ đã được dùng trong ý nghĩa di truyền trước đây và để chỉ một số các dân tộc ít người phi Hán của miền Nam.  Các nhóm phi-Hán khác vẫn còn hiện hữu tại Miền Nam Trung Hoa vốn đã định cư ở đó trong nhiều thế kỷ, rõ rệt nhất là tại Vân Nam (tham khảo Chiao & Tapp 1989: Phần 4).  Một số trong các nhóm này thể hiện một số nét tương đồng nổi bật với các phân nhóm Miao nhưng một cuộc khảo sát nghiêm chỉnh các nghi lễ tôn giáo và các đặc điểm ngữ học của chúng, thí dụ,  mau chóng phát lộ căn cước phi-Miao.

CÁC SỰ PHẢN KHÁNG VÀ CÁC CUỘC NỔI DẬY TẠI MIỀN NAM TRUNG HOA

       Qua nhiều thế kỷ, người Hán, Mông Cổ, và Mãn Châu đã phái các chiến đoàn đến các cao nguyên biên cương phía nam.  Các cuộc viễn chinh này thường được gửi đi để bình định, cưỡng bách sự lệ thuộc, tống tiền hay thu thuế, hoặc chỉ để trấn áp các sắc dân ngoan cố.  Sự kháng cự địa phương thường xảy ra và các cuộc phản kháng thì nhiều.

       Một trong các cuộc nổi đậy được ghi chép đầu tiên của thế kỷ thứ 19 xảy ra vào năm 1818 khi người Hồi Giáo chống đối mãnh liệt các đội quân của Bắc Kinh tại miền Nam.  Tuy nhiên, phải đợi đến sau năm 1850, và Cuộc Nổi Dậy Thái Bình Thiên Quốc (1850-1872), được ủng hộ bởi một ý thức hệ cứu thế phần nào vay mượn từ Cơ Đốc giáo, các binh sĩ của đế triều mới thực sự bị đánh bại và hầu hết các thành phố lớn tại miền Nam đều bị khuất phục bởi quân nổi dậy.  Năm 1854, trong cùng thời kỳ của sự xáo trộn chính trị và xã hội dữ dội, một cuộc nổi loạn quan trọng khác đã bùng nổ, bị gọi tên sai là của người H’Mông và tập trung tại vùng đông nam Quý Châu (Jenks 1994).  Quân nổi loạn, cố thủ tại vùng núi non “của họ”, tấn công quân Mãn Châu đồn trú, các quan lại, các thương nhân và các địa chủ Trung Hoa, và tự liên minh với Các Hội Kín (Secret Societies), đặc biệt với tổ chức của Bạch Liên [Giáo] (White Lotus).  Khi đó,

Cuộc Nổi Dậy của người theo Hồi Giáo (1855-1873) khởi sự như một cuộc tranh chấp về các đặc nhượng khai thác hầm mỏ giữa người Hoa theo đạo Hồi và người Hán Hoa tại Vân Nam.  Nó đã diễn gần như đồng thời với các cuộc nổi dậy khác đã bùng nổ khi thẩm quyền trung ương của [Triều Đình] Mãn Châu suy sụp, thí dụ, phong trào Thái Bình Thiên Quốc, và các cuộc nổi dậy của người H’Mông.  (Maxwell Hill 1983: 125)

       Cuộc khởi dậy của người theo đạo Hồi (được gọi là Panthai hay Hui) tại tây nam đã khoác các tầm mức quan trọng đến độ trong vòng vài năm, nó dẫn dắt quân nổi dậy tuyên cáo một Lãnh Địa Hồi Giáo (Sultanate) độc lập tại Đại Lý (Vân Nam).  Quân nổi đậy được cung cấp vũ khí bởi người Anh xuyên qua Miến Điện, trong khi viên khâm sai triều đình tại Vân Nam và Quý Châu nhận được khí giới của mình từ người Pháp xuyên qua Thượng Hải và, sau này, Hải Phòng.

       Vì thế chúng ta có thể nhìn thấy rằng trong loạt các yếu tố góp phần vào sự đối đầu giữa Nhà Nước Hán [? chỉ Trung Hoa, mặc dù khi đó người Mãn Châu thống trị Trung Hoa, chú của người dịch] với các dân tộc ít người tại Khối Núi Trọng Tâm vào cuối thế kỷ thứ 19, đã có sự hiện diện của các nước thực dân Âu Châu tại phía Nam của Khối Núi Trọng Tâm.  Từ đầu thập niên 1860, người Pháp và người Anh đang tranh đua để tìm và sở đắc một lối tiến vào miền Nam Trung Hoa cùng các thị trường và các tài nguyên béo bở của nó.  Trong cùng thời kỳ đó, các hiệp ước cho phép các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa tiến vào nội địa Trung Hoa, và bảo đảm sự an toàn cho cả các nhà truyền giáo lẫn các kẻ cải đạo (từ 1723 đến 1844 các hoạt động của Thiên Chúa Giáo là phi pháp).  Tuy nhiên, triều đình Mãn Châu chỉ chấp nhận tối thiểu sự xâm nhập tôn giáo và thương mại này từ phía nam bởi các ngoại bang và lấy làm bực tức nặng nề rằng các dân tộc ít người trên lãnh thổ của chính nó được móc nối bằng cách này hay cách kia với biến chuyển đó.  Về mặt chiến lược, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc gia tăng sự hiện diện hành chính và quân sự của nó tại vùng biên cương phía nam: một sự đụng độ không thể tránh khỏi.  Sau vài thập niên giao tranh, các tổn thất tổng quát về vật chất và nhân mạng thật khổng lồ.

       Biến động này ảnh hưởng đến toàn thể Miền Nam Trung Hoa.  Với một số nạn chết đói và bệnh dịch truyền nhiễm trong vùng trong phần lớn hậu bán thế kỷ thứ 19, nó đã góp phần đáng kể trong việc đẩy một số Dân Miền Núi (Montagnard) thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau đi tìm kiếm các cơ hội tốt đẹp hơn, xa hơn về phía nam vào Bán Đảo Đông Dương.  Trong số các kẻ di chuyển có các thành viên của dân tộc ít người Mien, Lahu, Akha, và người Trung Hoa theo Hồi Giáo từ Vân Nam, và một số đông người Hmong, một phân chủng của sắc dân H’Mông (De Beauclair 1960).

NGƯỜI H’MÔNG TẠI BÁN ĐẢO

       “Sự di chuyển đã dẫn người H’Mông vượt quá các biên giới của Trung Hoa là một bước tiếp nối của một tiến trình xảy ra trong phạm vi Trung Họa (Geddes 1976: 25-26).  Các đợt liên tiếp góp phần vào việc đặt định các con số gia tăng người Miao/Hmong tại nhiều tỉnh miền nam Trung Hoa cũng như tại các phần dân cư thưa thớt của Khối Núi Trọng Tâm Đông Nam Á được chia sẻ ngày nay bởi Miến Điện, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

       Nếu chúng ta tin tưởng các con số được cung ứng về dân số người H’Mông tại Trung Hoa và người H’Mông tại Đông Dương, chúng ta phải kết luận rằng chỉ có một phần nhỏ của nhóm nguyên thủy đã muốn hay có thể đi xuống phía nam.  Tác giả Jean Mottin nhận xét rằng ‘Trong sắc dân H’Mông nói chung, chúng ta nhận thấy chỉ có độc người H’Mông tại các nước khác [ngoài Trung Hoa]’ [tiêng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] ( ‘Parmi les Miao en général, ce sont seulement les Hmong que nous trouvons dans les autres pays [que la Chine]’) (1980: 37).  Tác giả Mottin ước lượng rằng 85% người H’Mông đã không rời khỏi Trung Hoa.  Hậu thuẫn cho nhận xét này là mật độ giảm dần của người H’Mông khi người ta rời khỏi Quý Châu và di chuyện xuống miền trung Thái Lan xuyên qua miền bắc Việt Nam và Lào (Michaud & Culas 1997: Bảng 1 và Bảng 2).

       Đợt đến đầu tiên của người Hmong tại Đông Dương đôi khi được nói có niên đại trở lùi bốn thế kỷ (thí dụ, trong sách của Bigot 1938 hay Geddes 1976: 27), đặc biệt tại Bắc Kỳ (Tonkin) trong những trường hợp cổ xưa nhất.  Nhưng không có các nhân chứng hay tài liệu viết nào từ miền bắc Đông Dương xác nhận sự hiện diện của họ trước cuối thế kỷ thứ 18.  Trong thực tế, đã có sự nhầm lẫn kéo dài bởi từ ngữ Mán-H’Mông [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] được dùng tại Miền Bắc Bắc Kỳ.  Danh từ Mán thường để chỉ riêng nhóm sắc tộc Yao (Dao) tại khu vực đó trong khi danh từ H’Mông chỉ áp dụng cho người H’Mông, hai nhóm khác biệt mặc dù có liên hệ về mặt ngữ học.  Tác giả Bonifacy (1904a: 825; 1904b: 4) ghi nhận một cách xác đáng rằng một số nhóm người Yao đã sẵn định cư tại thung lũng thượng lưu sông Lô (Rivière Claire) ở Miền Bắc Bắc Kỳ hồi đầu thế kỷ thứ 18.

       Chính trong nửa sau của thế kỷ thứ 19 mà các số lượng đông đảo các người định cư H’Mông di cư từ Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam, đã xâm nhập vào Bán Đảo và tiến xa xuống phía nam đến tận vĩ tuyến thứ 17 gần vùng Tak tại Thái Lan, một cách đại cương, đi theo một tuyến đường có hướng Đông Bắc/Tây Nam từ Bắc Kỳ.  Linh Mục Savina, thuộc Hội Các Phái Bộ Truyền Giáo …[?] hải ngoại của Paris, một trong các học giả đầu tiên về người Hmong, lưu ý rằng hồi đầu thế kỷ thứ 20, vào lúc ông đang nghiên cứu về người Hmong tại Bắc Kỳ, ‘Người H’Mông [Hmong] tại Bắc Kỳ đều có nguồn gốc từ Vân Nam, và những người ở Lào đều có nguồn gốc từ Bắc Kỳ.  Các kẻ sau cùng này luôn luôn giữ bước tiến của họ về phía nam, và ngày nay họ đã vươn tới tận vĩ tuyến thứ 20, trên rặng núi [Trương Sơn của] An Nam’: ‘Les Miao [Hmong] du Tonkin sont tous originaires du Yun-Nam, et ceux du Laos sont originaires du Tonkin.  Ces derniers pousuivent toujours leur marche vers du sud, et ils ont atteint aujourd’hui le 20e parallèle , sur la chaine annamitique. (1924: VIII) [tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].  Ngoài trừ khi chạy trốn ồ ạt khỏi các nguy hiểm cá biệt tại Trung Hoa, các sự di cư này mang hình thức các gia đình tiên phong họp nhau lại để cùng khai quang rừng và trồng lúa khô, ngô và thường cả thuốc phiện.  Khi các vấn đề nghi lễ tôn giáo và xã hội xuất hiện, hay khi đất đai không có năng lực chống đỡ các vụ thu hoạch tốt nữa, thường chỉ sau ít năm, nhóm địa phương giải tán và các gia đình cá thể đi tìm các gia đình khác đi theo họ và khai quang các mảnh rừng mới, còn trống.

       Các tài liệu phương Tây khả tín đầu tiên xác nhận một sự hiện diện của người Hmong tại Bán Đảo Đông Dương là từ 1860 khi nhiều nghìn người ‘linh’ Hei Miao: Hắc Miêu: mèo Đen (Black Miao) được nhìn thấy tiến vào Bắc Việt Nam từ Vân Nam.  Người An Nam Mít nhớ lại và kể cho tác giả Bonifacy (1904b: 8) về sự bạo động của các cuộc đụng độ với các người định cư lâu hơn tại thung lũng thượng lưu sông Lô.  Sau đó tại Lào, các cư dân tỉnh Xieng Khouang nhìn thấy các người Hoa theo đạo Hồi Giáo – thuộc các cánh Quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng và Cờ Đỏ — đánh nhau trên đường xuyên qua các rặng núi để trốn chạy quân Hán từ phương bắc.  Cùng với các binh sĩ nổi loạn này là nhiều nhóm sắc tộc H’Mông Núi khác nhau, kể cả một số người Hmong.  Trong số người H’Mông, nhiều kẻ đã lựa chọn để định cư tại cao nguyên phì nhiêu này và vào đầu thế kỷ thứ 20, các con số kiểm kê dân số của Pháp cho thấy có nhiều nghìn người trong họ sinh sống quanh Xieng Khouang.

       Tác giả Yang (1975: 7) đã ước lượng rằng các người Hmong đầu tiên đã di chuyển vào Lào trong khoảng 1810-20.  Tuy nhiên, ông đã sử dụng các tin tức truyền khẩu thu thập được trong thập niên 1970 tại các làng Hmong và các sự ước đoán này thay đổi đáng kể tùy thuộc vào các người cung cấp tin tức.  Người Hmong không quan tâm đến các sự ước đoán thời gian chính xác.  Một sự biến đổi như thế có thể được nhận thấy trong một báo cáo từ dòng tộc Lyfoung tại Lào.  Cha của lãnh tụ Hmong nổi tiếng ở Lào, Touby Lyfoung, được nói đã đến Nong Het (tỉnh Xiêng Khouang) năm 1875 khi ông đoàn tụ với người cô là kẻ đã từng sinh sống ở đó ‘trong nhiều năm’.  Một kẻ cung cấp tin tức khác là lãnh tụ theo truyền thống người Thái Trắng (White Tai) tại Bắc Kỳ, ông Đèo Văn Trí, kẻ đã tuyên bố trong năm 1903 rằng ông có chứng kiến sự thông hành của người Hmong xuyên qua lãnh địa của ông trên đường sang Lào:

       ‘Đến năm 1848, khi tôi 15 tuổi, tôi nhớ có nhìn thấy xứ sở của mình bị tràn ngập bởi người H’Mông (tức Quân Cờ Trắng) đên từ Tứ Xuyên (Trung Hoa).  Họ làm xáo trộn sư, bình yên của xứ sở, nhưng ngừoi cha đáng kính của tôi, ông Đèo văn Sinh hay Cầm Sinh đã chấm dứt tình trạng đó bằng việc thỏa thuận với họ và cho phép họ quyền tự do để tự định cư tại nơi mà họ muốn ở trên các cao nguyên trong vùng [của Sip Song Chau Tai (?)’: Vers 1848, alors que j’avais 15 ans, je me rappelle avoir vu mon pays envahi par les Hmong (dits Pavillions Blancs) venant du Setchuen (Chine).  Ils troublèrent la tranquilité du pays; mais mon honorable père Đèo Văn Sinh ou Cầm Sinh finit par s’entendre avec eux et leur donner la liberté de s’établir òu ils le voulaient sur les hauts plateaux de la region [of Sip Song Chau Tai [?]].  (Raquez & Cam 1904: 257)[tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].

       Tại Xiêm La, sự hiện diện của các khu định cư Hmong đã không được ghi thành văn kiện trước các năm cuối cùng của thế kỷ thứ 19.  Một nhà địa dư học Anh Quốc có viết rằng ông đã nhìn thấy trong năm 1880 tại tỉnh Nan Province: ‘Có hàng nghìn người xuất cảnh từ Sip Sawng Panna [Vân Nam, Trung Hoa], và Khamus từ Luang Prabang, và một dân số gia tăng trong người H’Mông và Yao  (McCarthy 1895: 71).  Một nguồn tin khác nêu ý kiến rằng sự đến nơi của người Hmong tại Miền Bắc Xiêm La có niên đại từ 1885 (Geddes 1976: 29).  Sau đó sự phân tán của họ tại vùng đó được xác nhận tại các miền Phitsanulok và Lomsak bởi tác giả Robbins (1928), kẻ đã nhìn thấy hai khu định cư như thế ở các ngọn núi đó trong Tháng Một 1928.  Trong năm 1829, các khu định cư người Hmong cũng được nhìn thấy ở vùng Tak, 300 cây số tây bắc Bangkok (Credner 1935: 289, trong Crooker 1986).  Trong năm 1992, cá nhân tôi có thu thập tin tức từ nhiều người già lão Hmong tại một khu định cư ở khu vực Chiang Dao (tỉnh Chiang Mai) là các kẻ đã tuyên bố rằng cha của họ đã sẵn ở trong vùng 85 năm về trước, đánh dấu sự đến nơi của họ lùi lại mãi đến năm 1908.

       Tác giả Jacques Lemoine (1972: 18) đã vạch ra rằng có một sư tương đồng ngữ học rất gần nhau giữa hai thổ ngữ Hmong được nói tại Thái Lan (Hmong Trắng và Lục) – địa điểm xa nhất từ nguồn gốc nguyên thủy trong cuộc di cư của người Hmong ở Quý Châu – với tiếng Tch’ouan Ts’ien Tien, một thổ ngữ Trung Hoa miền nam.  Gần đây hơn, tác giả Ratliff (1992) ghi lại chi tiết các sự tương đồng giữa ngôn ngữ Hmong và các ngôn ngữ Trung Hoa hiện đại và cổ thời tại Vân Nam.  Chính nhờ đó, trong khi khảo sát sự lan tỏa về mặt địa dư của các ngôn ngữ Hmong trong vùng, điều có thể nhìn thấy rằng giữa miền nguồn gốc người H’Mông/Hmong tại Quý Châu và nơi vươn đến cuối cùng tại Miền Trung Thái Lan, các con đường di cư đi ngang qua Miền Đông Vân Nam, Bắc Việt Nam, Bắc Lào, và sau đó, cao nguyên Thái Lan. 4

CÁC ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY KHÁC ĐỂ DI CƯ

       Chúng ta nhìn thấy rằng các nguyên nhân chính trị đã là một chất xúc tác chính yếu cho sự di cư xuống phương nam.  Các thế kỷ thứ 19 và 20 là một thời khoảng xáo trộn tại Trung Hoa và Đông Nam Á.  Tuy nhiên, khi ghi nhận rằng ‘… nếu một lãnh thổ mới xuất hiện trước mặt [người H’Mông], sự di cư của họ được xúc tiến tùy theo các tiềm năng của nó’ (Geddes 1976: 29), Geddes nhấn mạnh rằng các yếu tố lôi kéo cũng là một động lực chính yếu cho người Hmong tiến vào Bán Đảo.  Về mặt này, trường hợp người Hmong tại Thái Lan được soi sáng đặc biệt.  Nhóm này đến từ Lào nơi được tin rằng không mối nguy hiểm cụ thể nào đe dọa họ, ít nhất không lớn đủ để giải thích việc họ di chuyển cho đến nay vào lãnh thổ Xiêm La.  Các nguyên nhân tổng quát cho sự di cư cá biệt này là đất đai nhiều hứa hẹn và thưa dân sắp sửa được tìm thấy trong sự truy lùng các khu đất hoang mới để làm rẫy (swiddens).

       Điêu xem ra cũng quan hệ để đề cập một yếu tố khác đã góp phần vào sự di cư của người Hmong, mặc dù yếu tố này hiếm khi được nói đến trong các cuộc nghiên cứu lịch sử về các dân tộc ít người trong vùng.  Yếu tố này liên hệ trực tiếp đến việc trồng và bán thuốc phiện, một hoạt động đã đòi hỏi một phần đáng kể năng lực của nhóm và sự sản xuất nặng về nhân lực cho mãi đến thời gần đây.  Chúng ta hãy khảo sát trước tiên các căn nguyên của vấn đề.  Bởi có sự tiếp thị các khối lượng to lớn về thuốc phiện tại Trung Hoa, trước tiên bởi người Bồ Đào Nha trong thế kỷ thứ 18 và sau đó bởi người Anh và người Pháp là các nước sẵn lòng nâng cao các lợi nhuận để hỗ trợ nỗ lực thực dân ở địa phương, một mức độ cao của sự tiêu thụ thuốc phiện đã được vươn tới tại Trung Hoa trong thế kỷ thứ 19 (15 triệu người Trung Hoa nghiện thuốc phiện trong năm 1870 theo tác giả McCoy 1989: 63).  Chiều hướng này được khích lệ một cách đáng kể và được duy trì một cách khéo léo bởi người Anh là các kẻ có thể trồng các cây nha phiến tại Bengal và sau đó đem phân phối xuyên qua mạng lưới của Công Ty Đông Ấn Độ đã được phát triển khắp Á Châu trong các thế kỷ thứ 18 và 19 (McCoy 1989: 60).  Ngay từ đầu thế kỷ thứ 18, các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã lo âu về ngành mậu dịch gia tăng này và sự mất mát khổng lồ về lợi tức mà sự nhập cảng riêng hàng nghìn tấn thuốc phiện nguyên liệu bao hàm.  Dần dà, do bởi phần vốn liếng đặt cọc cao đến thế, các đối thủ chính đã tiến đến việc đụng độ trong diễn biến được gọi là Các Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến (1838-1842 và 1856-1858).  Theo sau Hiệp Ước Nam Kinh năm 1842, Trung Hoa bị buộc phải cho phép các người Âu Châu và Mỹ được thiết lập các cơ sở mậu dịch tại một số vị trí trên bờ biển Trung Hoa và buôn bán gần như tự do với thị trường Trung Hoa khổng lồ.  Giải pháp còn lại để người Trung Hoa cạnh tranh được với các kẻ xâm nhập khi đó là thúc đẩy và hỗ trợ sự sản xuất thuốc phiện trong phạm vi lãnh thổ của chính họ, điều mà các nhà chức trách trung ương đã mau chóng tìm cách thực hiện.  Các dân số sinh sống tại các khu vực thích hợp cho sự sản xuất này, căn bản là các vùng núi và cao nguyên ở phía nam, khi đó bị áp lực để trồng các cây nha phiến và sản xuất nguyên liêu thuốc phiện sẽ được bán cho các nhân viên chính phủ, để được điều chế và đem bán trên thị trường trong nước.  Một cách mỉa mai, nhiều người trong số các nhà sản xuất này cũng bị thúc đẩy vào cùng hoạt động bởi người Pháp và người Anh, các kẻ đã có thể vươn tới các phần phía nam của Khối Núi Trọng Tâm xuyên qua các thung lũng dẫn lên hướng bắc từ Miến Điện và Đông Dương thuộc Pháp.  Các dân tộc ít người vùng cao nguyên tại miền nam Trung Hoa khi đó bị kẹt trong cuộc cạnh tranh dữ dội của các thế lực nằm bên ngoài kinh nghiệm, sự hiểu biết chính trị và các khả năng quân sự của họ.  Tại địa phương, hiểu được tiềm năng béo bở của ngành buôn bán mới này và nhận thấy được sự cạnh tranh giữa Trung Hoa và các nước Âu Châu, người Hmong có gắng thu lợi nhiều nhất và mau chóng bước xuống con đường dẫn đến chiến tranh kinh tế với chinh quyền Trung Hoa.  Các cuộc phản kháng và nổi dậy bạo động làm rung chuyển miền nam của xứ sở trong hậu bán thế kỷ thứ 19 và các làn sóng di cư tiếp nối khi đó có thể được nối kết, ít nhất phần nào, vào ý chí mạnh mẽ để giữ sự kiểm soát trên việc sản xuất và rao bán thuốc phiện.

       Hơn nữa, các cuộc nghiên cứu lịch sử và dân tộc học gần đây đã soi sáng rằng một yếu tố quan trọng trong quyết định di cư và sự lựa chọn vùng đất để tiên phong là mối quan hệ đặc biệt giữa người Hmong và nhóm dân lữ hành người Hoa theo đạo Hồi Giáo, nhóm dân Haw (Hui: Hồi).  Nguyên thủy từ Vân Nam, dân Haw trong thời gian dài là các nhà cung cấp duy nhất muối và kim loại cho người Hmong cũng như một số tiêu thụ phẩm.  Các món hàng này được trao đổi để lấy các cây thuốc và dược liệu Trung Hoa.  Mối quan hệ truyền thống này tiến tới việc bao gồm sản phẩm sinh lợi nhất, thuốc phiện, chính vì thế, đã có thể tìm thấy một đường lối dễ dàng bên ngoài các làng xã.  Mậu dịch lưu động, là điều rất ít được biết đến, đi theo các tuyến đường cổ điển trong nhiều thế kỷ đã nối liền các thành phố thuộc vùng sâu xa của Trung Hoa như Côn Minh, Đại Lý, Jinghong, và Thành Đô, với các trạm mậu dịch đường biển và các thủ đô như Moulmein, Ayutthaya và Bangkok, cũng như Vinh và Hà Nội tại bắc phần Việt Nam.  Ba mươi năm trước tại Lào, cũng như tại Việt Nam, người Hmong lớn tuổi vẫn còn nhớ về các cuộc du hành của họ với nhóm dân lữ hành Haw vào cuối thế kỷ thứ 19, khá thường xuyên với tư cách các người chăm sóc cho các con ngựa và con lừa chất đầy vải vóc, muối và thuốc phiện.  Một số người cho hay rằng họ đã thám hiểm các vùng đất trống và phì nhiêu mới như cao nguyên Trấn Ninh tại Lào và vùng núi phía bắc tỉnh Nan ở Thái Lan.  Chính vì thế đã có các khả tính cung cấp cho các kẻ muốn di chuyển, và sự di cư của người Hmong về hướng tây nam không phải đã được thực hiện một cách mù quáng.  Một sự kết hợp của đất rừng khả ứng và phì nhiêu với một sự gần gủi với một lộ trình lữ hành của người Haw thì thích hợp một cách toàn hảo cho cả việc chạy thoát khỏi cơn phẫn nộ của người Hán hay chỉ để tìm kiếm sự may mắn ở nơi xa xôi hơn.

SỰ QUAN TÂM CỦA GIỚI HỌC GIẢ VỀ NGƯỜI MIAO/HMONG (CHO TỚI THẬP NIÊN 1970)

       Chỉ có các nhà truyền đạo Thiên Chúa và ít nhà thám hiểm Anh và Pháp, khi tìm kiếm các đường lối để xâm nhập vào nội địa Trung Hoa, là đã có thể đến thăm viếng người Miao/Hmong tại Trung Hoa.  Tại Đông Nam Á đại lục, ngay từ cuối thế kỷ thứ 19, người Hmong đã là đề tài của sự chú ý rõ rệt từ các binh sĩ, các nhà truyền giáo, các nhà hành chính, các nhà thám hiểm, và sau này, các nhà nghiên cứu gốc Âu Châu.  Sự chú ý rõ rệt này về phía người Tây Phương đối với các xã hội Người Miền Núi trong vùng, phù hợp với các bước tiến đầu tiên của nhân chủng học và dân tộc học như các ngành học thuật khoa học và nhất thiết đã phục vụ cho mối bận tâm với sự hấp dẫn hương xa.

       Các quyển sách, các bài viết, và các bút ký viết về Dân Miền Núi thì nhiều từ thời ban sơ của thế kỷ thứ 20.  Các nhà quan sát Tây Phương khi đó nhận ra được nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hóa mong manh của các dân tộc ít người này được gắn vào các không gian xã hội rộng lớn hơn, chẳng hạn như tại Việt Nam và Trung Hoa.  Trong trường hợp người H’Mông/Hmong, các cuộc nghiên cứu đầu tiên về các phong tục và ngôn ngữ đã được ấn hành trong các thập niên 1870 (Edkins 1870), 1880 (Broumton 1881) và 1890 (Lefèvre-Pontalis 1892).  Đây là những bước tiền đầu tiên của khoa dân tộc học tổng quát và sự thu thập có hệ thống các dữ liệu về văn hóa Hmong, trong khi sự nghiên cứu và phân tích sự tổ chức xã hội, tôn giáo và huyền thoại học đã phải chờ đợi mãi đến thập niên 1960 trước khi khởi sự bùng nổ thực sự.

       Sau Thế Chiến Thứ Nhì sự quan tâm quốc tế về người Hmong ở Đông Nam Á đã bắt đầu phát khởi, và sự nghiên cứu tại hiện trường đã được thực hiện trên một quy mô ngày càng lớn rộng, chính yếu tại Lào và Thái Lan và, trong các tình huống khác lạ, tại miền bắc Việt Nam cho đến năm 1954.  Bắc Kỳ, dưới ảnh hưởng của Việt Minh, tách rời khỏi Đông Dương thuộc Pháp và tuyên bố Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nước độc lập hồi năm 1945, đóng cửa với phần lớn các nhà quan sát sau hội nghị Geneva năm 1954.  Trung Hoa, sau sự xuất hiện của chế độ Cộng Sản năm 1949, đã phản ứng tương tự đối với Tây Phương.  Mặt khác, Thái Lan chào đón rõ ràng ‘sự trợ giúp‘ của Thế Giới Thứ Nhất và các nhà nghiên cứu của nó.  Trong thời kỳ này, Lào vẫn còn bị giằng co giữa các lý tưởng của chế độ quân chủ và chủ nghĩa cộng sản trong nhiều năm, và phần lớn lãnh thổ của nó đã không an toàn cho các học giả Tây Phương.  Với Các Cuộc Chiến Tranh Đông Dương, giữa các năm 1946 và 1975, và cuộc xung đột Trung Hoa – Việt Nam năm 1979, điều trở nên rõ ràng rằng các diễn biến quốc tế đã tác động đến các trú dân rừng rú tại các núi non của họ, buộc họ phải chọn phe và, tùy thuộc vào kẻ chiến thắng cuộc đấu tranh dân tộc, phải chịu đựng các hậu quả nếu họ lựa chọn sai.

       Trong thập niên 1960, nhiều nhà nghiên cứuTây phương nhận thấy mình quan tâm đến việc tìm hiểu đặc biệt các dân tộc ít người trên cao nguyên.  Nhiều định chế Tây Phương đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu này sự yểm trợ tài chính đáng kể mặc dù phải nói, không phải lúc nào cũng với các ý định thuần khiết nhất (xem Wakin 1992).  Chính vào thời cuối của thập niên 1960, các tác giả Lebar, Hickey và Musgrave, với sự trợ giúp của Hanks and Smalley trong số các tổ chức, đã công bố công trình đồ sộ nhan đề Ethnic Groups of Mainland of Southeast Asia (1964) được ấn hành bởi American Human Relations Area Files và Peter Kunstadter, được trợ giúp nổi bật nhất bởi Moerman, Mandorff, Hickey, Geddes và Barney, đã biên tập bộ hai quyển không kém phần đồ sộ, nhan đề Southeast Asian Tribes, Minorities and Nations (1967) được ấn hành bởi Princeton University Press.  Ngoài các nhà nghiên cứu này vốn quan tâm đến toàn vùng như một tổng thể, có thể bổ túc các học giả khác điều tra một cách cá biệt vào một miền đặc biệt, như Moréchand (1968), Lemoine (1972), Yang (1975), Bertrais (1977) và Mottin (1978) tại Đông Dương thuộc Pháp trước đây, hay Keen (1966), Binney (1968), Walker (1970) và Dessaint (1971) tại Thái Lan.

       Sau nhiều năm tự cô lập và từ chối không cho các học giả ngoại quốc quyền để đi đến núi đồi của họ — trong khi Thái Lan vẫn mở rộng cửa gần như không có hạn chế nào cả — Việt Nam và Lào hiện giờ đang tiến vào thời đại hậu xã hội chủ nghĩa và tỏ ra sẵn lòng hơn để khởi sự cuộc nghiên cứu hợp tác với người ngoại quốc về Người Dân Miền Núi.  Cơ hội này phải được nắm lấy.  Nó có nghĩa một cơ may độc nhất sau rốt, để điều tra tại hiện trường lịch sử dân tộc của người Hmong và của mọi xã hội Dân Miền Núi tại phần đất này của Khối Núi Trọng Tâm.  Với nhịp hiện tại của sự canh tân hóa và hòa nhập văn hóa của người dân cao nguyên theo các đường nét của dân đồng bằng, với tiến trình định cư hóa cưỡng bách xảy ra trong các thập kỷ qua, công tác này trở nên khẩn cấp nếu chúng ta muốn thu thập những gì còn lại trong truyền thống của các người di dân muộn màng, sống sót dai dẳng và cùng lúc, dễ bị xâm hại một cách cực đoan, từ biên cương Trung Hoa./-          

_____

CHÚ THÍCH:

1. Bài viết này nguyên thủy được trình bày trong hội nghị thường niên của Hội Nghiên Cứu Đông Nam Á (Association for South-East Asian Studies) tại Vương Quốc Thống Nhất Anh, ở trường School of Oriental and African Studies thuộc Đại Học University of London, hồi Tháng Tư 1996.

2. Bất kể sự nối kết lịch sử và phần nhiều không biện minh được của từ ngữ trong tiếng Pháp, ‘montagnard: dân miền núi” với các nhóm dân thiểu số vùng cao nguyên rất cá biệt tại Trung Phần Việt Nam, từ ngữ tự chọn để có nghĩa nguyên thủy ở đây là “dân miền núi”, mà không có ý kiến riêng tư nào khác.

3. Cũng xem sự phân tích lịch sử của các cuộc nổi dậy này trong sách của Lombard-Slamon (1972: IV).

4. Lemoine (1972: 18) và Michaud (1994: Phần 4) đều có gặp người Hmong nói rằng họ đến từ Miến Điện tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan; Young (1962: 37) cũng đề cập đến cùng sự kiện này.  Bernatzik (1970) đề cập trong năm 1947 về một cuộc kiểm kê dân số 1931 cho hay có 830 người Hmong khi đó sinh sống trên lãnh thổ Miến Điện.  Tuy nhiên, các số thông kê về người Hmong tại Miến Điện ngày nay không được cung cấp.

—–

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Badie, M. Lt-Col. (1924) Les Races du Haut-Tonkin de Phong-Tho à Lang Son.  Paris, Ancienne Maison Challemel.

Bernatzik Hugo Adolf (1970) Akha and Miao: Problems of Apllied Ethnography in Further India.  New Haven, phiên dịch H. R. A. F. Press, 2 quyển [ấn bản nguyên thủy 1947, Akha und Meau, Innsbruck, Wargnerische Universitats-Buchdruckerei]

Bertrais, Yves (1977) Le Mariage traditionnel chez les Hmong blancs du Laos et de la Thailande.  Chiang Mai.

Bigo, A. (1938) Ethnologie sommaire de l’Indochine franҫaise.  L’Indochine franҫaise (Hanoi), November.

Binney, George A. (1968) The Social and Economic Organisation de Two White Meo [Hmong] Communities in Northern Thailand.  Luận Án Tiến Sĩ chưa được ấn hành, Wildlife Management Institute, Washington D. C., Advanced Research Projects Agency (Department of Defense).

Bonifacy, August Louis-M, Lt-Col (1904a) Les groups ethniques de la Rivière Claire, Revue Indo-Chinoise, (30 June): 813-828.

Bonifacy, August Louis-M, Lt-Col (1904b) Les groups ethniques de la Rivière Claire, Revue Indo-Chinoise, (15 July): 1-16.

Broumton, C. (1881) A Visit to the Miao-Tze tribes of South China, London: Proceedings of the Royal Geographic Society.  No. 3

Chiao Chien and Tapp, Nicholas (1989) Ethnicity and Ethnic Groups in China.  Hong Kong, The Chinese University of Hong Kong, (Special issue on the New Asia Academic Bulletin Vol. VIII)

Cooper, Robert G. (1976) Resource Scarcity and the Hmong Response: A Study of Settlement and Economy in Northern Thailand.  Luận Án Tiến Sĩ, University of Hull.

Crooker, Richard A. (1986) Opium Production in Northern Thai: A Geographical Perspective.  Luận Án Tiến Sĩ chưa ấn hành, Geography, University of California, Riverside.

De Beauclair, Inez (1960) A Miao Tribe of Southeast Kweichow and its cultural configuration.  Bulletin of the Institute of Ethnology, Acamedia Sinica No. 10, các trang 127-205.

Dessaint, William Y., Dessaint, Alain Y. (1982) Economic Systems and Ethnic Relations in Northern Thailand: 72-85, trong sách biên tập bởi A. R. Walker, Studies of Ethnic Minority Peoples, Contributions to Southeast Asian Ethnography No. 1.

Edkins, J. (1870) The Miao Tsi Tribes: Their history, The Chinese Recorder and Missionary Journal 3: 33-36, 74-76.

Geddes, William Robert (1976) Migrants of the Mountains: The Cultural Ecology of the Blue Miao (Hmong Njua) of Thailand.  Oxford: The Claredon Press.

Haudricourt, André Georges (1974) Le nom du champ sur brulis et le nom de rizière irriguée, Études Rurales, 53-56: 467-471.

 Jenks, Robert Darrah (1994) Insurgency and Social Disorder in Guizhou.  The ‘Miao’ Rebellion 1854-1873.  University of Hawai’i Press.

 Jenks, Robert Darrah (1985).  The ‘Miao’ Rebellion 1854-1872: Insurgency and Social Disorder in Kweichow during the Taiping Era.  Luận Án Tiến Sĩ không ấn hành.  Harvard University.

 Keen, F. G. B. (1966) The Meo of North-West Thailand: A Problem of Integration.  Luận Án Cao Học chưa được ấn hành.  Victoria University of Wellington (N. Z.)

Kunstadter, Peter, biên tập, (1967) Southeast Asian tribes: Minorities and Nations.  Princeton, New Jersey, Princeton University press, một bộ gồm 2 quyển.

 Lebar, F. M., Hickley, G. H. & Musgrave, J. K. (đồng biên tập) (1964) Ethnic Groups of Mainland Southeast Asia.  New Haven: Yale University Press, H. R. A. F.

 Lefèvre-Pontalis, Pierre (1892) Notes sur quelques pupoplations du nord de l’Indo-Chine.  Journal Asiatique 8: 237-269.

 Lemoine, Jacques (1972) Un Village Hmong Vert du Haut Laos.  Milieu Techniques et organization sociale, Paris, Éd. Du C. N. R. S.

 Li, Yueh-Hwa (1940) The Miao-Man Peoples of Kweichow.  Luận Án Tiến Sĩ chưa được ấn hành,  Anthropology, Harvard University.

 Lombard-Salmon, Claudine (1972) Un exemple d’ acculturation chinoise: la provine du Guizhou au XVIIIè siècle.  Publication de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient Vol. LXXXIV.

 Lunet de Lajonquière, Émile Cdt. (1906) Ethnographie du Tonkin Septentrional.  Hanoi-Paris, E. Leroux.

 Maxwell Hill, Ann (1983) The Yunnanese [Haw]: Overland Chinese in Northern Thailand, trong sách đồng biên tập bởi McKinnon J. và Bruksasri W., Highlanders of Thailand.  Kuala Lumpur, Oxford University Press, các trang 123-134.

 McCarthy, James (1895). An Englishman’s Siamese Journal 1899-1893.  Report of a Survey of Siam, ấn hành vô danh tại London, 1895, lưu hành riêng tư [in lại bởi Siam Media International Books (không ghi nhật kỳ xuất bản)].

 McCoy, A. W., với sự cộng tác của Read, C. B. và Adam III, L. P. (1989) The Politics of Heroin in Southeast Asia.  Singapore, Harper Torchbooks.

 Michaud, Jean (1994) Résistance and Flexibilité.  Le changement social et le tourisme dans un village hmong de Thailande.  Luận Án Tiến Sĩ chưa được ấn hành về Nhân Chủng Học (Anthropology) Université de montreal (Canada).

 Michaud, Jean & Culas, Christian (1997) Les Hmong de la peninsule Indochinoise.  Histoire et migrations.  Les Cahiers des Sciences humaines – ORSTOM 3 (juillet-aout)

 Moréchand, Guy (1968) Le chamanisme des Hmong, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient, 54 (XII): 53-294.

 Mottin, Jean (1978) Eléments de grammaire Hmong Blanc.  Bangkok, Don Bosco Press.

 Mottin, Jean (1980) History of the Hmong.  Bangkok, Odeon Store.

 Panikkar, K. M.  (1957) L’Asie et la domination occidentale du XVe siècle à nos jours.  Paris, Seuil (phiên dịch từ tiếng Anh bởi P & E. Bolo, 1953).

 Raquez, A. & Cam (biên tập bởi) (1904) Mémoires de Đèo Văn Trí, Revue Indochinoise.  (31 aout), No. 4: 256-275.

 Ratliff, Martha (1992) Meaningful Tone: A Study of Tonal Morphology in Compounds, Form Classes, and Expressive Phrases in White Hmong.  Center for Southeast Asian Studies, Monograph Series on Southeast Asia,Special Report No. 27, Northern Illinois University.

 Robbins, L. J. (1928)  Hill Routes between Pitsanuloke and Lomsak, Journal of the Siam Society.  22 (2): 81-94.

 Savina, Franҫois Marie (1924) Histoire des Miao.  Hong Kong, Ipm. Des Missions Étrangères.

 Schurmann, Franz & Orville, Schell (đồng biên tập) (1972) Imperial China.  Harmondsworth (U. K.), Penguin Books.

 Teng, Ssu Yu (1971) The Taiping Rebellion and the Western Powers: A Comprehensive Survey.  Taipei, Rainbow-Bridge.

 Wakin Eric (1992) Anthropology Goes to War.  Professional Ethics and Counterinsurgency in Thailand.  Madison (USA): University of Wisconsin, Center for Southeast Asian Studies, Monograph no. 7.

 Walker, Anthony R.  (1970) Lahu Nyi (Red Lahu) Village Society and Economy in North Thailand.  Bộ gồm 2 quyển.  Chiang Mai, Tribal Research Centre.

 Wiens, Herold (1954) China’s march into the tropics.  Emden (Conn.): Shoe String Press.

 Yang, Dao (1975) Les Hmong du Laos face au développement.  Vientiane, Siao Savath.

 Young, O. Gordon (1962) The Hill Tribes of Nortrhern Thailand.  Bangkok, The Siam Society. 

Zhao, Yuchi và các tác giả khác (1985) Clothing and Ornements of China’s Miao People.  Beijing, Nationality Press. 

Tác giả, Tiên Sĩ Jean Michaud, là Phó Giám Đốc, Ban Đông Nam Á Học, Đại Học University of Hull, Hull, HU6 7RX, United Kingdom.

Nguồn: Jean Michaud, From Southwest China into Upper Indochina: an Overview of Hmong (Miao) Migrations, Asia Pacific Viewpoint, Vol. 38,  No. 2, August 1997, các trang 119-130. 

#3Hmoob #Hmong #Hmoob #Miao

Chia sẻ ngay

About Author

I love

Comment here