Lễ đón dâu của người H’mông. Nhà Trai cử đoàn đón dâu mang theo rượu thịt đi đến nhà Gái làm các thủ tục nghi lễ mất khoảng nửa ngày, đoàn về đến nửa đường thì phải dừng chân nghỉ lại gọi là ăn trưa, bày đồ ăn thức uống ra để ông mối cất tiếng hát mời các vị thần rừng, thần núi, thần khe, thần đèo, …
HMOOB (H’MÔNG) là một dân tộc trong 54 dân tộc anh em tại Việt Nam. Cộng đồng dân tộc H’mông có hơn 1,3 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi phía Bắc. Người H’mông có rất nhiều văn hóa nghệ thuật độc đáo và phong phú đa dạng. Trong văn hóa cưới hỏi cũng có rất nhiều những nghi lễ đặc biệt.
Người H’mông Thường Tổ Chức Cưới Hỏi Vào Mùa Xuân
Người H’mông tổ chức vào mùa xuân, vì người H’mông quan niệm đây là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở và kiêng kỵ tuyệt đối không tổ chức đám cưới vào mùa mưa, hay có sấm sét.
Lễ Vật Cưới Cho Đám Cưới Của Người H’mông
Lễ vật cho đám rước dâu gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, thuốc lào, hai con gà con sống, tiền mặt và cả những vật dụng hàng ngày như áo váy, khăn vải, ô, … và nhà trai, nhà gái tổ chức đám cưới cùng ngày.
Cách Người H’mông Tổ Chức Đón Dâu
Chủ nhà sẽ giao cho Ông Trưởng họ (người có uy) đại diện cho nhà trai lấy một người cùng họ cũng cón tiếng (thường là chọn Bác trai nhà trai nếu có) làm Trưởng đoàn (Tuam meej koob) và có trách nhiệm tìm một người có uy tín và có tài ca hát để làm “ông mối” (Lwm meej kooob) làm phó đoàn. Hai ông mối cùng với 5 hoặc 7 người sẽ dẫn toàn bộ đoàn đi đón dâu và làm các thủ tục trong suốt ngày cưới tại nhà gái.
Ngoài ra ông trưởng họ hay người mà đại diện gia đình nhà trai còn lấy các trưởng các đội phục vụ công việc bên nhà trai: Trưởng chủ quản đám cưới (Kav Tsoov) là người đại diện cho gia đình và quản lý toàn bộ công việc trong hôm cưới, Trưởng bếp, … Các Trưởng này có trách nhiệm đi lấy số người còn lại đến phục vụ
Trước khi đi đón dâu, ông trưởng họ cùng với trưởng chủ quản công việc bên nhà trai (Kav Txoov) bàn giao đồ lễ cho hai ông mối và phân chia công việc cho mọi người. Những thanh niên trẻ sẽ gùi lễ vật và ai cũng mặc rất đẹp trong trang phục truyền thống.
Phong Tục Người H’mông Tại Nhà Gái
Theo phong tục của người H’Mông, khi đoàn đón dâu đến cửa nhà gái ông mối sẽ phải hát bài “xin mở cửa” rồi sau đó mới bước vào.
Đoàn đón dâu bước vào trong nhà, đại diện nhà gái ra đón tiếp, họ mời nhau thuốc lào, uống rượu, lúc này ông mối cất lời hát bài “Xin bàn ghế” và đại diện nhà gái hát đáp lại.
Khi bài hát vừa dứt thì sẽ được mời đoàn ngồi vào hai bàn được bày ra để mời họ nhà trai vừa ăn uống vừa bằng các và làm các thủ tục, ông mối tiến hành bàn giao đồ lễ cho nhà gái rồi xin phép cho phù dâu vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài chào hai họ trước khi về nhà chồng.
Ông mối hướng dẫn chú rể và phù rể vái lạy cám ơn cha mẹ vợ, 2 lạy phía trong để lạy tổ tiên nhà vợ, 2 lạy phía ngoài để lạy trời đất, thổ công rồi xin phép được đón cô dâu về.
Theo tục lệ thì cô dâu bắt buộc phải khóc và cô dâu, chú rể không được ngoái đầu lại nhìn ngôi nhà của cô dâu khi ra khỏi cửa. Chú rể xòe ô che nắng cho cô dâu trên suốt đường về.
Khi Đoàn Đón Dâu Của Người H’mông Về Đến Nửa Đường
Đoàn đón dâu đi đến nửa đường thì phải dừng chân nghỉ lại làm lễ (ăn trưa), bày đồ ăn thức uống mà nhà gái chuẩn bị cho ra trên lá chuối đặt dưới đất để ông mối cất tiếng hát mời các vị thần rừng, thần núi, thần khe, thần đèo…
Khi về đến cửa nhà trai, cô dâu, chú rể phải dừng lại ở trước cửa để họ nhà trai mang một con gà trống ra làm phép, quay con gà bên phải, quay bên trái 3 vòng để xua đuổi những điều xấu, đón tiếp những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu …
Người H’mông quan niệm rằng của hồi môn mà nhà gái cho con khi về nhà chồng phải qua 3 ngày mới được mở ra xem và đó thường là váy áo, vải vóc, chăn màn… Tuy nhiên, với những gia đình khá giả thì có cả bạc trắng hoặc tiền.
Admin Hmong #Hmong #Hmoob #3Hmoob Nguồn ảnh:dangcongsan
Comment here
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.