Du lịchGiáo dụcHmong_MediaLịch sử Dân tộcNewsNghiên Cứu Khoa HọcTrang PhụcVăn hóa - Phong tục

Hoa văn trên Trang phục Dân tộc H’mông

Hoa văn trên Trang phục Dân tộc H’mông có những ý nghĩa đặc trưng gì trong Văn hóa Dân tộc và nguồn gốc cũng như lịch sử hành thành ra sao.

Từ xa xưa, nghề dệt, sản phẩm dệt ra đời và phát triển không chỉ thoả mãn nhu cầu sử dụng mà còn để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ và các nhu cầu tín ngưỡng khác của các tộc người nói chung và của người H’mông nói riêng. Trong đó, hoa văn trên vải của người H’mông mang lại giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống và sinh hoạt và là một phần không thể thiếu của tiến trình lịch sử và văn hóa các dân tộc.

Hoa văn truyền thống người H’mông

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, nó được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của đời thường, hòa lẫn, trở thành một yếu tố của cuộc sống. Bộ Trang phục của người Phụ nữ H’mông không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, là vật để che thân mà chiếc váy còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ.
Trang phục được trang trí đẹp còn là thước đo tài năng của phụ nữ H’mông. Vẻ đẹp của trang phục, một tác phẩm văn hóa vừa gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người H’mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, với màu của nhóm người là trung tâm tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn của người H’mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết (in sáp ong) tạo cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người H’mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác.

Có nhiều loại hoa văn trên trang phục người H’mông như hoa văn hình học, hoa văn hiện thực, hoa văn hình người, hoa văn hình hoa lá …

Sự gắn bó chặt chẽ giữa hoa văn trang phục và môi trường sống là một dấu hiệu đặc biệt, nó thể hiện quan niệm về cái đẹp, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan…của mỗi dân tộc, giúp chúng ta phân biệt được nhóm người, tộc người này với tộc người khác. Sống ở vùng núi cao, gần với thiên nhiên nên hoa văn trên vải của dân tộc H’mông ẩn chứa và truyền tải hình ảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong cuộc sống lao động hằng ngày, bao gồm cả thế giới thực vật , động vật và cả đồ vật.

Các biểu tượng trong Hoa văn Trang phục

Biểu tượng của sấm, chớp được thể hiện hoa văn hình rau dớn ở dưới gấu váy, áo, yếm đó là hai hình tròn có chung nếp tuyến chéo, đó là tín ngưỡng sùng bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Ở nhiều dạng mô típ hoa văn trên nền vải, rồng là đường zích zắc ở giữa là các chấm biểu thị con mắt và có các xoắn ốc.

Các biểu tượng hoa văn gắn liền với cuộc sống như hình ảnh hoa đào, hình tượng thuộc lĩnh vực âm dương ở trên các mô típ hoa văn là các bông cúc, phổ biến nhất vẫn là các hình chữ thập + chữ X …

Màu sắc Hoa văn trong Trang phục

Màu sắc hoa văn trên vải phản ánh thẩm mỹ, tâm lý, ước vọng… trong cuộc sống của dân tộc Hmông. Sự sắp xếp các mảng mầu tối, sáng, nóng lạnh đi cạnh nhau làm nổi bật lên các đường nét hoa văn, đặc biệt khi nhìn từ xa hay đi giữa núi rừng. Người H’mông sở SaPa – Lào Cai trang phục lấy màu đen là chủ đạo, người H’mông ở Bắc Hà trang phục chủ đạo lại là màu đỏ.

Người Hmông thường sống trên những rẻo núi cao, nhiệt độ thường thấp, nhiều sương mù, nên màu sắc còn biểu trưng cho sự ấm áp, no đủ hạnh phúc và khát vọng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Lời kết về Hoa văn Trang phục H’mông

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, người H’mông ở các địa phương đã phát triển theo chiều hướng riêng của mình, tạo nên một nền văn hóa khác biệt, trong đó vừa có sự kế thừa truyền thống vừa tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhờ đó, văn hóa H’mông là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, vừa là bộ phận của nền văn hóa Đông Nam Á và văn hóa Thế giới..

Chính sự phát triển đó giúp chúng ta tự hào về bề dày truyền thống văn hóa. Qua tìm hiểu hoa văn trên trang phục, góp phần điểm xuyết thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em Việt Nam và các dân tộc trên toàn thế giới thêm rực rỡ, trọn vẹn của tổng thể hài hòa “bản sắc văn hóa Dân tộc”.

THOCAMLANRUNG – HMONG

Chia sẻ ngay

About Author

Comment here